Hỗ trợ 24/7

028 627 12907

Ở Nhật có tất cả bao nhiêu loại rong biển?

Ở Nhật có tất cả bao nhiêu loại rong biển?

Rong biển hay tảo biển trong tiếng Nhật được gọi là “Kaisou” (海藻) là cách gọi chung chỉ những loài thực vật sinh sống dưới nước.

Rong biển có thể chia thành 3 nhóm chính là: tảo lục (Ryoku sorui) (Ao nori), tảo đỏ (Kou sorui) (Tosaka nori, Ogonori) và tảo nâu (Kassorui) (Kombu, wakame, hijiki.

Tảo lục: là loại tảo phát triển ở vùng nước nông, gồm một số loại phổ biến như Aosa, Ao nori, Umibudo. Các loại tảo biển này thường được dùng để chế biến súp, salad, tempura, kim chi,...

Tảo đỏ: Đúng như tên gọi của nó các loại tảo này thường có màu đỏ, chúng thường phát triển ở vùng nước tương đối sâu. Chính vì phát triển ở vùng nước sâu ít ánh nắng mặt trời nên cơ thể chúng chuyển hóa thành màu đỏ để có thể quang hợp ngay cả trong điều kiện thiếu ánh sáng. Các loại tảo phổ biến thuộc nhóm này là Asakusa nori thường được dùng để chế biến món Furikake (gia vị rắc cơm), Tosaka nori và Ogonori

Tảo nâu: là nhóm có nhiều loại tảo ăn được nhất có thể kể đến như tảo bẹ, wakame, hijiki, mozuku. Các loại tảo này thường được dùng để chế biến các món ăn như súp miso, salad,... Ở Nhật có đến 400 loại tảo thuộc nhóm này.

Nhật Bản được xem là "Vương quốc rong biển" khi người dân ở đây thường ăn hơn 100 loại rong biển khác nhau. Tuy nhiên trong giới hạn của bài viết này chúng tôi sẽ chỉ giới thiệu những loại rong biển phổ biến được sử dụng nhiều nhất trong các món ăn ở Nhật Bản.

1. Tảo bẹ (Kombu)

tảo bẹ

Angela M. Benivegna/Shutterstock.com

Tảo bẹ thuộc nhóm tảo nâu, mọc ở dưới biển với kích thước trung bình từ 5-7m. Những cây tảo bẹ có kích thước tối thiểu là 2m và tối đa có thể lên đến 10m, rộng 60cm. Tại Nhật Bản, Hokkaido là nơi có sản lượng tảo bẹ lớn nhất cả nước chiếm khoảng 95% tổng sản lượng. 5% còn lại là của các tỉnh Aomori, Iwate và Miyagi.

Trong Kombu có chứa rất nhiều Canxi - thành phần chính cấu tạo nên xương, răng cũng như giúp duy trì và điều chỉnh các chức năng trong cơ thể. Ngoài ra, còn có rất nhiều chất xơ hòa tan trong nước, axit alginic và fucoidan (chất ngăn ngừa ung thư). Tảo bẹ cũng là loại rong biển có chứa nhiều i-ốt nhất trong các loại tảo, nhờ đó giúp cải thiện chức năng tuyến giáp, thúc đẩy hoạt động của tim và mạch máu.

chế biến canh miso

gontabunta/Shutterstock.com|masa44/Shutterstock.com

Không chỉ giàu chất dinh dưỡng, hương vị thanh mát của tảo bẹ cũng biến chúng trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong căn bếp của người Nhật. Những miếng tảo bẹ dài có màu đen đã được sấy khô sau khi thu hoạch thường được dùng để chế biến nước dùng (dashi) cho các món mì, lẩu, súp miso,...

2. Wakame

wakame

studio presence/Shutterstock.com

Wakame được xem là loại rong biển phổ biến nhất ở Nhật Bản. Cây wakame trưởng thành thường cao trên dưới 1m. Phần thân bên trong (Kuki wakame) và rễ của cây wakame (mekabu) đều có thể ăn được. Tuy nhiên, cái chúng ta thường ăn là phần lá cây. Mặc dù thuộc nhóm tảo nâu nhưng sau khi đun sôi qua nước nóng chúng sẽ chuyển sang màu xanh sáng, đó là lý do tại sao khi bạn ăn wakame chúng luôn có màu xanh.

wakame salad

Leon XxX/Flickr

So với Konbu, Wakame có giá rẻ hơn và bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở các cửa hàng 100 yên. Thành phần dinh dưỡng trong Wakame không nhiều như trong Kombu nhưng đây vẫn là loại thực phẩm có chứa nhiều canxi, sắt, chất xơ rất tốt cho cơ thể. Ngoài ra, nó cũng chứa rất ít calorie nên phù hợp với những người ăn kiêng.

Tại Nhật Wakame được sử dụng nhiều nhất trong món salad, thường được thêm vào canh miso, ăn cùng với sashimi hoặc dùng để nấu súp. Ngoài ra, phần thân của Wakame cũng là món nhậu vô cùng phổ biến mà bạn có thể bắt gặp tại các quán izakaya.

(Liên hệ chúng tôi để mua Rong biển Wakame chất lượng)

3. Nori

nori

Lyudmila Zavyalova/Shutterstock.com

Cùng với Wakame, Nori cũng là một trong những loại rong biển xuất hiện nhiều nhất trong các bữa ăn của người Nhật. Có khoảng 30 loại nori khác nhau, nhưng phổ biến nhất ở Nhật là 2 loại Susabinori và Asakusanori. Tại Nhật Bản, khu vực nuôi trồng nhiều nhất là biển Ariake, biển nội Seto, vịnh Ise và vịnh Tokyo. Nori sau khi thu hoạch thường được làm sạch, sấy khô và cắt thành miếng mỏng như tờ giấy mà chúng ta vẫn thường thấy.

Có thể sẽ có một số người lầm tưởng Nori là phiên bản sấy khô của Wakame, tuy nhiên hai loại rong biển này thuộc hai nhóm tảo hoàn toàn khác nhau. Nori chúng ta thường ăn có màu xanh sẫm nhưng thực chất lại nằm trong nhóm tảo đỏ, sau khi chịu tác động của nhiệt chúng sẽ chuyển sang màu xanh như vậy.

cơm nắm onigiri

zumakuma/Flickr

Trong Nori có chứa nhiều Kali giúp kiểm soát huyết áp, Axit folic, sắt giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu và chất xơ giúp ngăn ngừa bệnh táo bón. Tại Nhật Bản, nori thường được dùng để làm món sushi, onigiri, hoặc ăn cùng với các loại mì ramen, udon, soba,... Ngoài ra, nori cũng có thể dùng để trộn salad.

 

4. Rong nho (Umibudo)

umibudo

watzon/Shutterstock.com

Tên gọi chính thức của loại rong biển này là “Kubiretsuta” nhưng vì chúng có những hạt li ti mọc thành từng chùm rất giống chùm nho nên được gọi là "Rong nho" hay "Trứng cá xanh". Tại Nhật Bản, chỉ có vùng Okinawa và Kagoshima với nhiệt độ ấm là nơi có thể trồng được Umibudo. Mặc dù sinh trưởng tại các vùng có khí hậu ấm áp nhưng mùa của rong nho lại rơi vào từ mùa thu đến mùa xuân, nên nếu đến Okinawa vào thời gian này đừng quên thưởng thức đặc sản rong nho ở đây nhé.

Umibudo có hương vị tươi mát của biển và đặc biệt là rất giòn khi nhai. Nếu đã từng ăn các loại rong biển khác như Kombu hay Wakame thì chắc bạn cũng có thể mường tượng được hương vị tương tự ở rong nho, tuy nhiên so với chúng, rong nho giòn hơn rất nhiều.

cơm hải sản ăn cùng umibudo

TATPON/Shutterstock.com

Không chỉ đặc biệt khi ăn, rong nho còn chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng như vitamin, fucoidan, sắt, magie, canxi, chất xơ và các loại khoáng chất bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể. Trong đó Kali, Magie và sắt có tác dụng rất tốt trong việc làm đẹp. Ngoài ra, loại rong biển này cũng có hàm lượng calorie rất thấp phù hợp với những người ăn kiêng.

Khác với các loại rong biển khác kể trên, Umibudo thường được dùng để ăn sống, bởi nếu nấu lên nhiệt độ sẽ làm mất hương vị và độ giòn của rong nho. Bạn có thể ăn rong nho cùng với sashimi, dùng để rắc lên các món ăn, làm sushi hoặc salad.

5. Hijiki

hijiki

sasazawa/Shutterstock.com

Hijiki cũng là một loại tảo phát triển ở những vùng nước ấm như vùng biển Thái Bình Dương, biển Nội Seto, phía Nam biển Nhật Bản. Hijiki ngon nhất khi được thưởng thức trong khoảng thời gian từ mùa xuân đến đầu mùa hè (tháng 2 - tháng 5).

Hijiki có 2 loại: Nagahijiki và Mehijiki. Nagahijiki được lấy từ phần thân của hijiki, rất giòn khi nhai. Loại này có thể chế biến bằng cách hầm, xào hoặc làm salad. Trong khi đó Mehijiki lại được lấy từ phần lá của hijiki, mềm hơn, có thể kết hợp với các loại nguyên liệu khác để làm món xào, hầm và đặc biệt rất thích hợp để ăn với cơm.

hijiki

sasazawa/Shutterstock.com

Trong hijiki có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể như khoáng chất, chất xơ (gấp 7 lần ngưu bàng), canxi (gấp 12 lần sữa) và sắt giúp điều hòa các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể và phòng ngừa một số bệnh như thiếu máu, ung thư đại tràng. 

Hijiki không chứa dầu, nên sẽ rất thích hợp khi chế biến cùng các món ăn có dầu vì dầu sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ vitamin A, I-ốt, canxi. Ngoài ra, có thể kết hợp hijiki với những nguyên liệu có chứa nhiều vitamin D như trứng và nấm Shitake. Các thực phẩm chứa nhiều đạm như đậu nành và thịt, nhiều vitamin C như rau cải bó xôi cũng rất thích hợp để chế biến cùng Hijiki.

6. Aonori

aonori

marcin jucha/Shutterstock.com

Aonori là một loại tảo thuộc nhóm tảo lục. Aonori có thể chia thành 3 loại là Hitoegusa, Aosa và Aonori. Trong đó Aosa và Aonori là hai loại phổ biến nhất thường được dùng làm nguyên liệu khi chế biến các món ăn. 

Cũng giống như các loại rong biển khác, Aonori cũng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như chất xơ giúp cải thiện môi trường đường ruột và ngăn chặn sự gia tăng của lượng đường trong máu, Axit Folic rất tốt cho phụ nữ mang thai, β caroten giúp duy trì sức khỏe của da, mắt và chống lão hóa,...

okonomiyaki

Alpha/Flcikr

Aonori thường được dùng làm nguyên liệu tạo màu và hương vị cho món ăn như takoyaki, okonomiyaki, karaoke, potato chips, tempura. Ngoài ra, rong biển bạn thường thấy trong món súp miso cũng chính là aonori. Bạn cũng có kết hợp aonori với các món ăn khác như trứng tráng, karaage,...

7. Mozuku

mozuku

sasazawa/Shutterstock.com

Mozuku là một trong những loại rong biển được người Nhật sử dụng từ thời xa xưa, được trồng ở nhiều nơi trên cả nước nhiều nhất là ở Okinawa. Mozuku có rất nhiều loại khác nhau nhưng chỉ có 6 loại được sử dụng nhiều nhất, trong đó loại có màu đen sẫm mềm và mỏng được cho là ngon nhất trong các loại rong biển.

mozuku tempura

pixta.jp

Tại Okinawa món ăn này thường được ăn cùng với giấm và được gọi là Sunui. Việc thưởng thức loại rong biển này cùng với giấm giúp hấp thụ nhanh các chất dinh dưỡng, đốt cháy mỡ và lượng đường trong cơ thể. Ngoài ra cũng có thể dùng Mozuku để nấu súp, cháo, hoặc món Tempura vô cùng độc đáo. Nếu có dịp đến Okinawa bạn đừng quên thưởng thức những món đặc sản này nhé.

Mozuku có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt rất phù hợp với những người ăn kiêng. Trong Mozuku có nhiều Fucoidan và các khoáng chất, giúp tăng cường độ ẩm cho da, làm cho làn da trở nên mịn màng hơn và có thể phòng ngừa các nếp nhăn.

8. Tosaka

tosaka

Adam J Chan/Shutterstock.com

Tosaka là loại tảo thuộc nhóm tảo đỏ. Vì có màu đỏ và hình dáng gần giống như chiếc mào của con gà nên nó được gọi là Tosaka (trong tiếng Nhật nghĩa là "mào gà"). Tosaka được trồng chủ yếu ở Kumamoto, bờ biển bán đảo Ise. Ngoài khu vực này ra, sẽ rất khó để bạn có thể thưởng thức Tosaka tươi và đậm vị như ở đây.

Tosaka có 3 loại: đỏ, trắng và xanh. Khi ăn sống chúng có màu đỏ, nhưng khi được chế biến qua lửa Tosaka sẽ chuyển qua màu xanh. Tosaka màu trắng là loại đã được xử lý qua nước vôi. 

Trong Tosakanori có chứa nhiều chất khoáng và chất xơ, so với các loại rong biển khác lượng vitamin không được nhiều bằng, nhưng hàm lượng calorie thấp cũng rất thích hợp với những người ăn kiêng. Loại tảo này mang hương vị đặc trưng của biển và rất giòn thường dùng để trang trí và thêm màu sắc trong các món sashimi, cơm hải sản, salad,... Ngoài ra, cũng có món Tosaka Konnyaku là món konnyaku đươc làm từ tảo biển vô cùng độc đáo mà chắc chắn bạn nên thử một lần.

Trên đây là một số loại rong biển phổ biến ở Nhật mà bạn thường bắt gặp trong các bữa ăn. Bạn đã nếm thử bao nhiêu loại trong số chúng và đâu là loại bạn thích nhất? Nếu có điều kiện hãy thử tìm hiểu thêm về các loại rong biển khác ở Nhật và chế biến chúng thành các món ăn đa dạng khác nhau để làm phong phú thêm cho bữa cơm hàng ngày của mình nhé!

Ảnh tiêu đề: 
pixta.jp, watzon/Shutterstock.com, inewsfoto/Shutterstock.com, sasazawa/Shutterstock.com

Tin tức liên quan

THÔNG BÁO NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN

Ra mắt sản phẩm mới Cháo Yến Mạch Ăn Liền dạng ly

Giảm giá - KM cho sản phầm Mì Chay Rong Biển

RONG BIỂN WAKAME – KHÁM PHÁ THỰC PHẨM “VÀNG” ĐẾN TỪ NHẬT BẢN

✨NUÔI DƯỠNG SỰ BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC BẰNG VIỆC ĂN CHAY✨